NỘI DUNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN 9 (Đợt 4)

Lượt xem: Lượt tải:


Thông tin Nội dung
Tên tài nguyên NỘI DUNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN 9 (Đợt 4)
Loại tài nguyên Tài liệu - Giáo trình,
Tên tập tin NỘI-DUNG-ÔN-TẬP-MÔN-NGỮ-VĂN-9-Đợt-4.docx
Loại tập tin application/vnd.openxmlformats-officedocument.wordprocessingml.document
Dung lượng 27.41 kB
Ngày chia sẻ 19/03/2020
Lượt xem 497
Lượt tải 7
Xem tài liệu Xem Online
Tải về

ÔN LUYỆN CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ

I. CỦNG CỐ KIẾN THỨC

  1. Biện pháp tu từ

Biện pháp tu từ là những cách phối hợp các phương tiện ngôn ngữ để tạo hiệu quả cho hoạt động của từ; làm cho lời hay, ý đẹp, có sức biểu cảm, nâng cao hiệu quả diễn đạt và giá trị thẩm mĩ của ngôn từ.

Ví dụ: Để diễn đạt ý: “mặt trời đang lên trên đỉnh núi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa sử dụng cách nói tu từ: bác mặt trời đạp xe lên đỉnh núi.

  1. Các biện pháp tu từ

2.1. So sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ)

– Tác dụng của phép so sánh: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm, gợi tả cụ thể, chi tiết đặc điểm của sự vật, sự việc…

– Các kiểu so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

2.2. Nhân hóa

Nhân hóa là gọi hoặc tả cây cối, con vật, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

Ví dụ:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá)

– Tác dụng của phép nhân hóa: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm. Cảnh vật, sự vật vô tri vô giác được nhân hóa trở nên gần gũi, thân thiết, có tâm hồn…

– Các kiểu nhân hóa: dùng những từ chỉ hoạt động, suy nghĩ, tình cảm của con người để chỉ hoạt động của sự vật; dùng những từ vốn gọi người để gọi vật; trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

2.3. Ẩn dụ

Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

– Tác dụng của phép ẩn dụ: làm cho cách diễn đạt sinh động, có giá trị biểu cảm cao, tăng tính hình tượng cho lời văn; gợi những liên tưởng thú vị, sâu sắc.

– Các kiểu ẩn dụ: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

2.4. Hoán dụ

Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ví dụ:

Vì sao? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

(Tố Hữu, Theo chân Bác)

– Tác dụng của phép hoán dụ: làm cho lời văn sinh động, có giá trị biểu cảm cao; nhấn mạnh, gây ấn tượng vào đặc điểm, dấu hiệu… của sự vật.

– Các kiểu hoán dụ: lấy bộ phận để gọi toàn thể, lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật, lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

2.5. Điệp ngữ

Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại một từ, một cụm từ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp như vậy gọi là điệp ngữ.

Ví dụ:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

(Xuân Quỳnh, Tiếng gà trưa)

– Tác dụng của phép điệp ngữ: làm cho lời văn sinh động, giàu nhịp điệu, có giá trị biểu cảm cao; nhấn mạnh, gây ấn tượng cho ý cần diễn đạt.

– Các dạng điệp ngữ: điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).