NỘI DUNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN 6 (Đợt 4)

Lượt xem: Lượt tải:


Thông tin Nội dung
Tên tài nguyên NỘI DUNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN 6 (Đợt 4)
Loại tài nguyên Tài liệu - Giáo trình,
Tên tập tin NỘI-DUNG-ÔN-TẬP-MÔN-NGỮ-VĂN-6-Đợt-4-2.docx
Loại tập tin application/vnd.openxmlformats-officedocument.wordprocessingml.document
Dung lượng 24.62 kB
Ngày chia sẻ 19/03/2020
Lượt xem 587
Lượt tải 14
Xem tài liệu Xem Online
Tải về

ÔN TẬP BIỆN PHÁP TU TỪ SO SÁNH

I. NỘI DUNG KIẾN THỨC

– Khái niệm: so sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng.

– Mô hình cấu tạo đầy đủ của phép so sánh gồm:

+ Vế A nêu tên sự vật, sự việc được so sánh.

+ Vế B nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A.

+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.

+ Từ so sánh.

Ví dụ: Quê hương/ ngọt ngào/ như /dòng sữa mẹ.

+ Quê hương : A

+ ngọt ngào: PDSS

+ như: TSS

+ dòng sữa mẹ: B

Lưu ý: Trong thực tế, mô hình cấu tạo trên có thể biến đổi ít nhiều:

– Các từ chỉ phương diện so sánh và từ so sánh có thể được lược bớt.

– Vế B có thể được đảo lên trước vế A cùng với từ so sánh.

Ví dụ: Trường Sơn/: chí lớn ông cha.

(Lê Anh Xuân)

+ Trường Sơn: B

+ chí lớn ông cha: A

– Các kiểu so sánh: dựa vào các từ so sánh, ta phân biệt hai kiểu:

+ So sánh ngang bằng: như, như là, giống,…

Ví dụ:

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng.

(Tế Hanh)

+ So sánh không ngang bằng: hơn, không như,…

Ví dụ:

Bóng Bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng.

(Minh Huệ)

– Tác dụng của phép so sánh làm cho cách diễn đạt sinh động, gợi hình, có giá trị biểu cảm cao, gợi tả cụ thể, chi tiết đặc điểm của sự vật, có tác dụng biểu hiện tư tưởng tình cảm sâu sắc.

II. BÀI TẬP

  1. Tìm phép so sánh trong đoạn trích sau đây, nêu rõ tác dụng của phép so sánh đó:

“Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận”.

(Đoàn Giỏi)

  1. Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo, sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc Bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người thì, sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày động bão, thì nay lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi. Chúng tôi leo dốc lên đồn Cô Tô (…) ngắm toàn cảnh đảo Cô Tô. Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây…

(Nguyễn Tuân,Cô Tô)

Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng các biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

  1. Trong hai câu thơ dưới đây, câu nào hay hơn? Vì sao?

– Lũ đế quốc như bầy dơi hốt hoảng.

– Lũ đế quốc là bầy dơi hốt hoảng.

  1. Trong bài Lượm của Tố Hữu có đoạn :

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

a) Phép so sánh ở đoạn thơ trên độc đáo ở chỗ nào? Em hãy phân tích cái hay của phép so sánh đó.

b) Các từ láy trong đoạn thơ thuộc từ loại nào? Có tác dụng gì?

5. a) Có mấy kiểu so sánh?

b) Đọc kĩ đoạn văn và trả lời câu hỏi:

Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở trắng xoá. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cà bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.

Sớm. Chúng tôi tụ hội ở góc sân. Toàn chuyện trẻ em. Râm ran.

(Duy Khán)

Tìm biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn văn trên. Nêu tác dụng của biện pháp đó.

  1. Cho sự vật được so sánh: trăng. Phương diện so sánh: khuyết.

Hãy tạo ra ba phép so sánh có sự vật dùng để so sánh khác nhau.