Giáo dục kỷ luật tích cực cần tôn trọng và thấu hiểu
Lượt xem:
Kỷ luật tích cực là phương pháp giáo dục hướng đến học sinh, giúp các em nhận thức hành vi chưa đúng và tạo cho cả thầy và trò đều tôn trọng lẫn nhau.
Trong khi những học sinh khác đang vui vẻ thì một học sinh đang lo lắng vì phải viết bản kiểm điểm do giờ Tin học đã tự ý vào mạng, tải game về. Giáo viên Tin học thông báo, học sinh sẽ không được học môn này nữa.
Sau đó, cậu học sinh mắc lỗi đến phòng tham vấn tâm lý. Nhân viên tâm lý chính là những giáo viên có kinh nghiệm sẽ cùng học sinh trò chuyện. Một tin mừng là giáo viên Tin học đã đồng ý tha thứ cho cậu nếu nhận được một bản kiểm điểm thực lòng nhất.
Cô Hiền Lương, giáo viên trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho biết: “Khá nhiều giáo viên sử dụng hình thức là làm học sinh sợ để mà học. Giáo viên đừng để học sinh sợ mình mà học mà hãy làm học sinh thích mình mà học”.
Cô Hiền Lương – giáo viên trường THCS Thăng Long.
Cô Hiền Lương là người đã tham gia chương trình Thầy cô chúng ta đã thay đổi. Dù yêu thương học sinh như con song cô từng có những lời nói, hình phạt làm tổn thương các em. Được tập huấn, trải nghiệm, cô đã ý thức sâu sắc về kỷ luật tích cực trong trường học, trở thành giáo viên tư vấn tâm lý cho các em.
“Tôi đã có những hình thức nhắc nhở riêng, gặp riêng hoặc viết thư khiến cho trò không còn cảm giác sợ hãi hay bức xúc về lỗi của mình và học trò sẵn sàng chia sẻ hết với thầy cô” – cô Hiền Lương chia sẻ.
Để thực hiện được kỷ luật tích cực trong trường học, phụ thuộc rất lớn vào những người thầy. Cô Phó Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình thường có các cuộc trò chuyện với học sinh. Nhiều em mạnh dạn bày tỏ các em không muốn trong trường học có hình thức phê bình học sinh trước toàn trường. Hay nếu học sinh mắc lỗi, hãy cho bạn đó làm lớp phó phụ trách kỷ luật để tự các bạn thay đổi.
Cô Hồ Thuận Yến, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Ba Đình, Hà Nội cho rằng: “Giáo dục phải bắt nguồn từ tình thương đặc biệt với những học sinh trót có những sai lầm, vi phạm thì người thầy cần có sự bao dung, thấu hiểu và đi đến tận cùng sự mắc lỗi để từ đó mình có biện pháp giáo dục tác động đến học sinh cho phù hợp, đủ độ tinh tế để học sinh có thể thay đổi bản thân mình. Đó mới chính là quan điểm của Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đó là giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh”.
Học sinh mắc lỗi, chắc chắn phải nhận kỷ luật. Nhưng mức độ kỷ luật, cách thức kỷ luật như thế nào sẽ quyết định học sinh có thực sự nhận thức được lỗi lầm của mình để sửa đổi hay không. Kỷ luật tích cực chắc chắn sẽ làm được việc này.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 1988.
Điểm mới của dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh là có bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Cụ thể:
Giáo viên có thể yêu cầu học sinh:
+ Hoàn thành bài tập còn thiếu
+ Viết lại bài cần học thuộc
+ Viết lại nội quy
+ Viết cảm nhận, kiểm điểm
+ Học sinh sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân
+ Lao động công ích như trực nhật, vệ sinh khuôn viên trường…
Tùy từng tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà nhà trường còn có thể áp dụng các hình thức kỷ luật:
+ Khiển trách
+ Cảnh cáo
+ Tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.
Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 là “đuổi học một năm” nhưng trong dự thảo Thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn hai tuần đối với những vi phạm như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác…